Trang

7.2.20

3 CHIẾC KHẨU TRANG

Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Nhiên, góc không, góc O, Chuyên đề Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Khắc Viện, Yoga Dưỡng Sinh Nguyễn Khắc Viện, Yoga Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Minh Kính, Luyện thở, Luyện sức, Luyện thần kinh, tập nội công, tập luyện dưỡng sinh, thở đúng, thở tốt, vũ quang tiệp
Không thích đeo khẩu trang! Con người phải tiếp xúc với nhau qua một lớp ngăn che thì thật bất hạnh! Thế nhưng 3 tháng gần đây đã phải thay đổi suy nghĩ.

Một (lý do thứ nhất) là lạnh. Việc chuyển đổi nơi sống từ miền Nam ra miền Bắc gặp phải một chướng ngại. Đó là sự thay đổi nhiệt độ. Lạnh! Điều lạ là giữa ngày và đêm có khi thay đổi nhiệt độ đột ngột. Từ ấm sang lạnh, rất khó lường! Khó hơn nữa là rét! Khó hơn nữa là lạnh, rét kết hợp với mưa! Tưởng như không thể vượt qua! Nhưng thực chất đó chỉ là chướng ngại về mặt tâm lý. Thân thể luôn biết cách thích nghi. 

Phần nữa cũng là nhờ đi bộ và đi bus nên tốc độ di chuyển ở mức tự nhiên khoảng 5 km/giờ. Gió, lạnh, rét không quăng quật như khi ngồi xe máy. Khi nhiệt độ trên 20 thì không vấn đề. Nhưng nếu rơi xuống 15, 16 thì khi ra đường phải có đủ áo ấm, choàng cổ, găng tay. Và lúc này không thể thiếu khẩu trang để giữ ấm! 

Hai (lý do thứ hai) là chất lượng không khí vô cùng tồi tệ. Do chỉ số trên các thang đo mà do cả tâm lý sợ hãi của tập thể. Bản thân chưa kịp lo thì người thân đã lo thay, lo hết cả phần mình. Thế mới thấy sức mạnh tuyên truyền của truyền thông đại chúng là ở mức độ nào! Chắc không báo đài nào nguyện giữ sự bình an làm giá trị lõi trong các nội dung truyền tin? Thế nên vô tình hay không ý thức mà sự sợ hãi được gieo rắc từ màn hình đến lòng người. 

Dẫu vậy vẫn duy trì cái thú phơi mặt tản bộ thư thái trên vài con đường hay ao hồ, những nơi không khí vẫn còn tương đối trong sạch. Đó là nhờ cây cao, bóng mát và có độ giãn cách nhất định với xe cộ (quy hoạch chú ý đến khái niệm “đường biên”). Chỉ thiếu chiếc xe đạp nữa là đủ bộ ứng xử của một công dân thân thiện với thành phố! 

Dĩ nhiên có những con đường không thể đi bộ! Dĩ nhiên có những ngày sương mù (hoặc có thể là khói bụi ô nhiễm) bao vây không cho thấy mặt trời! Nhưng vẫn có những ngày đẹp! Vẫn có những không gian có thể thâu nhận sự lành an! Vẫn có những thời khắc được hít căng vào buồng phổi luồng khí trong sạch! Những trải qua ấy có lẽ chưa có máy móc nào thống kê. Chúng cũng không phải là tài nguyên quy đổi thành tiền (lượt xem) nên chẳng có kênh mương cống rãnh truyền thông nào nhiệt tình khai thác.

Ba (lý do thứ ba) là dịch bệnh gần đây. Giờ thì đã phải lôi hết khẩu trang ra dùng. Có 3 cái, luân phiên nhau, tùy theo mức độ di chuyển và tính chất của nơi đến mà sử dụng. Nói di chuyển chứ thật ra đã hủy mọi kế hoạch. Trước đây khi lên xe bus thì luôn tháo khẩu trang để trở lại “cảm giác làm người”. Nay thì vé liên tuyến của tháng này chưa mua. Hẳn là sẽ dừng đi bus ít nhất 1 tháng! Phải là một sự kiện nào đó thật sự hệ trọng và sau khi đã suy xét kỹ thì mới quyết định lên đường!

Tự nhắc bản thân: Rửa tay kỹ. Tập nội công. Luyện thở. Luyện sức. Luyện thần kinh. Giữ ấm cơ thể. Ăn ngủ điều độ. Xông phòng bằng thảo dược mỗi tuần 1 lần. Dùng khẩu trang, găng tay (cũng phải giặt sạch liên tục) nếu phải ra ngoài. Trước nay chỉ ăn ngày 2 buổi. Thỉnh thoảng vẫn ăn ngoài. Nay thì tuyệt đối không còn ăn ngoài. Theo dõi kỹ lưỡng những biểu hiện của trạng thái lo hãi bên trong hay từ bên ngoài tràn vào.

Bình tâm và điều chỉnh nhịp sống. Nếu trời đất có gọi về thì từ tốn dạ thưa.

#Nhiên
02.02.2020

T/B:

- Một số câu chữ dùng trong bài trên như “Luyện Thở”, “Luyện Sức”, “Luyện Thần Kinh”, “Tập Nội Công” vốn có nguyên mẫu là tựa các quyển sách, là các bài tập có thể thực hành đều đặn mỗi ngày.

- Hình thức tập luyện dưỡng sinh với cốt tủy là các bài tập “Thở Đúng”, “Thở Tốt” đã được hệ thống hóa, viết theo văn phong Việt Nam từ những năm 60, 70 thế kỷ trước. Do đất nước bị chia cắt bởi chiến tranh nên có khi nhiều người ở miền này không biết người miền kia đã thực hành như thế nào. Ở miền Nam giai đoạn này hình như đa phần là các sách dịch (?). Còn ở miền Bắc đã có sách viết theo dạng tổng hợp, đúc kết kinh nghiệm bản thân, kết hợp giữa cả lý luận lẫn thực tiễn áp dụng và giảng dạy. Tìm hiểu cả 2 nguồn sách từ 2 miền giúp người đọc có bức tranh chung về dưỡng sinh (yoga) trong ký ức cộng đồng giai đoạn này. (4.2)

- Về việc rửa tay, dùng một dung dịch bao gồm cồn 90 độ, nước và vỏ bưởi. Nếu mua cồn 70 độ thì không cần pha nước. Sau khi dọn rửa hay ra ngoài trở về nhà hoặc trước khi ăn uống hoặc bất kỳ lúc nào cần rửa thì dùng dung dịch này. Tẩy trùng tốt và lại thơm hương. Cho vào một hộp nhựa và dùng dần. Dĩ nhiên là không lạm dụng. Nếu thấy có hiện tượng khô da hay phồng rộp thì tiết giảm.

- Về ăn uống, luôn ăn ngay sau khi nấu. Trong chế biến tăng cường hành, tỏi, xả, ớt. Ở góc bếp hay góc phòng đặt thêm 1 củ hành tây để diệt khuẩn. Cách làm do bạn bè chia sẻ nên chưa thật sự kiểm chứng độ xác tín lẫn hiệu quả. Chỉ là thấy thú vị nên cũng trải qua. Lấy một củ hành tây, cắm vào 3 que tăm để làm thành thế chân vạc. Đặt củ ấy vào một chiếc dĩa nhỏ, đổ ít nước vào. (5.2)

- Viết bài này nhân dịp đổi ảnh đại diện. 5 ngày sau đọc lại, thêm một ý nữa để thành 3 lý do dùng khẩu trang. Nội dung bài dĩ nhiên cũng đã được rà soát và chỉnh sửa sao cho phù hợp với tâm ý lúc này (7.2)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét